Trạm trưởng Lục thích ánh mắt đấy của cô, luôn làm theo những gì ông ấy bảo, gật đầu: “Hôm nay hết việc rồi, Kiều Vi về đi. Ngày mai nhớ phải đến sớm ít nhất mười phút.”
Vậy thời gian đi làm muộn nhất buổi sáng là chín giờ năm mươi lăm.
Bây giờ Kiều Vi dậy rất sớm, không giống lúc mới đến hay dậy muộn, trên đường mua thức ăn về, hợp tác xã cung tiêu đã mở cửa buôn bán, còn có thể vào mua sắm.
Từ khi cô chạy bộ buổi sáng đã có thể đi mua thức ăn từ sớm, trên đường về hợp tác xã cung tiêu vẫn chưa mở cửa.
Thời gian làm việc này quá thoải mái.
Trạm trưởng Lục gật đầu, Kiều Vi không giả vờ nữa mỉm cười đứng dậy, hôm nay báo danh xong cũng coi như tan tầm rồi.
Cô đi cùng Lục Mạn Mạn.
Lục Mạn Mạn thấy cô không giống Hồ Tuệ, thấy cô thật sự có thể làm việc nên rất vui vẻ, chủ động nói với cô: “Trong ủy ban thị trấn có nhà ăn, nếu không muốn về nhà nấu cơm thì có thể ăn ở đây. Ăn xong thì quay lại, bớt việc. Em về nhà ăn vì bà nội em nấu ăn mỗi ngày, em không về ăn thì bà buồn.”
“Vậy tiện quá.” Kiều Vi vui mừng khôn xiết.
Sau khi tính toán cân nhắc đến tốc độ đi của Nghiêm Tương, sau này chín giờ hai mươi rời khỏi nhà, đi khoảng hai mươi phút là đến. Đi bộ đi làm vừa không ùn tắc giao thông lại không bao giờ bị trễ.
Buổi trưa đưa Nghiêm Tương đi nhà ăn ăn cơm đỡ phải vất vả đun bếp, ăn xong về nhà ngủ trưa, ngủ dậy đúng lúc đến ca chiều.
Cô được làm công việc trong mơ gì vậy.
Khi đến cổng phải tách ra, Lục Mạn Mạn nói: “Ngày mai đến sớm hơn một chút, em dạy chị cách dùng máy.”
Kiều Vi vui vẻ đồng ý: “Được.”
Trông cô có vẻ nhanh nhẹn, Lục Mạn Mạn rất vui, ngâm nga một bài hát rời đi.
Kiều Vi mừng rỡ rời khỏi ủy ban thị trấn, đi lấy đôi giày mà cô đã nhờ người làm.
Tại ngôi nhà thứ ba trong hẻm, cửa sân đang mở nên không cần gõ, bà lão ngồi trước ngưỡng cửa may vá.
“Bà, cháu đến thăm bà.” Kiều Vi không nói cô đến đây lấy giày, để tránh bị người khác nghe thấy.
“Đến rồi à, vào uống nước.” Bà lão mỉm cười dẫn cô vào nhà, đóng cửa sân.
Kiều Vi lấy dép vải của mình, không phải nói chứ tay nghề may vá này quá tốt.
“Phải kiểu này không?” Bà lão nói: “Nếu không được bà sẽ gỡ nó ra may lại cho cháu.”
“Đúng là kiểu này.” Kiều Vi hài lòng. Lấy ra một gói lá sen khô từ trong túi quân đội đưa cho bà lão.
Bà lão mở gói lá sen ra, bên trong là một cái bánh bao hấp trắng bóc, bà lão vui vẻ: “Sau này cần may vá gì cứ tìm bà.”
Kiều Vi nhớ ra bà lão cũng họ Lục, ban đầu cô gọi là bà Lục, nhưng bà lão lại bảo cô gọi bà ấy là bà Tám.
Cô suy nghĩ hỏi: “Bà ơi, chỗ chúng ta nhiều người họ Lục thật.”
Bà Tám tự hào nói: “Đương nhiên, ở Hạ Hà Khẩu chúng ta, một nửa là người họ Lục, một nửa là người họ Từ, một nửa là người họ Tạ, còn lại mới là những họ khác.”
Kiều Vĩ không tranh cãi với bà lão về vấn đề ba “nửa” cộng lại là một lần rưỡi, thốt lên: “Thảo nào, hóa ra là họ lớn.”
“Chứ sao.”
“Bà ơi, nhà mẹ đẻ bà họ gì?”
“Họ Tạ.”
Kiều Vĩ mỉm cười gật đầu, hứa nếu còn cần may vá kiểu này sẽ lại tìm bà lão, sau đó bỏ đôi giày mới vào túi xách rồi về nhà.
Phải đến nhà đoàn trưởng Triệu đón Nghiêm Tương.
Chị Dương đi tới hỏi: “Cô thi đậu chứ?”
Chị ta rất tin tưởng cô.
Kiều Vi mỉm cười: “Tôi đậu rồi.”
Cuối cùng cũng có việc làm. Kể từ sau khi sửa đường và sơn tường xong, cô cảm thấy tốc độ đi bộ cũng trở nên chậm chạp.
Nấu ăn mỗi ngày đã trở thành món ăn tinh thần của cô, những lúc này cô lại thấy các loại nguyên liệu, gia vị và dụng cụ nấu ăn không được phong phú như đời sau.
Sau này cô đã có công việc như mơ rồi.
Chị Dương kéo cô vào nhà, tránh Lâm Tịch Tịch hỏi: “Lương bao nhiêu?”
Kiều Vi nói: “Tôi mới nhận chức nên tính theo lương nhân viên tạp vụ, mười bốn tệ một tháng. Ba tháng sau trở thành nhân viên ban ngành chính thức thì hai mươi ba tệ một tháng.”
Chị Dương vui mừng vỗ tay: “Được được được!”
Chị ta là người có hiểu biết, hỏi thẳng: “Tiền trợ cấp thì sao? Cơm nước thế nào? Lễ tết có được phát gì không?”
Kiều Vi toát mồ hôi.
Thời này không có khái niệm “riêng tư”, nếu bạn có mối quan hệ tốt với ai, ngoại trừ chuyện vợ chồng không thể hỏi, bạn có thể hỏi cho ra người kia kiếm được bao nhiêu tiền.
Trong buồi trà chiều của phụ nữ hôm qua, các chị đều nói về tình hình kinh tế của gia đình người khác, đến mức lễ tết được phát nửa cân thịt một phần tư cân dầu cũng không sót.
Rõ quá mà.
Bạn không thể từ chối khi bị hỏi để bảo vệ quyền riêng tư của mình như đời sau, họ hoàn toàn không hiểu tại sao không được nói thu nhập của mình với người khác và sẽ kiên trì hỏi cho đến khi bạn thú thật.
Kiều Vi nói: “Tôi vẫn chưa hỏi rõ, ngày đầu tiên nên cũng ngại hỏi, chỉ biết là được ăn cơm ở bếp lớn.”
“Chắc chắn rồi. Sau này cô phải làm cho rõ đừng để họ ăn bớt của cô. Chúng ta là người ngoài, họ là người dân bản địa, cô phải cẩn thận mấy chuyện vô nghĩa họ nói với chúng ta.” Chị Dương nói: “Trong ủy ban thị trấn chắc chắn còn có những gia đình quân nhân khác, cô nhớ phải làm thân với họ. Hãy nhớ rằng chúng ta là người nhà của cán bộ, có chuyện gì cũng đừng sợ, quân khu sẽ chống lưng cho chúng ta.”
Kiều Vi suýt nữa bị bà Tám hại khi làm giày, nên cảm nhận rất sâu sắc.
Chủ nghĩa bảo hộ địa phương là ý thức bẩm sinh của người dân bản địa ở hầu hết mọi nơi. Mặc dù người nhà quân nhân làm việc tại địa phương, nhưng đối với dân bản địa họ vẫn là người ngoài.
Buổi tối Nghiêm Lỗi về hỏi cô: “Em đi báo danh chưa?”
Thậm chí anh không hỏi cô có đỗ hay không.
Kiều Vi nói với anh: “Quan hệ lương thực đã quay lại rồi.”
“Em gặp những ai? Cảm thấy thế nào?” Nghiêm Lỗi mỉm cười hỏi khi thấy sắc mặt cô rất tốt, biết hôm nay mọi chuyện đều thuận lợi.
Kiều Vi kể lại tình hình ngày hôm nay rồi nói: “Trạm phát thanh tính cả em thì đã có ba người họ Lục trong tổng số bảy người.”
Nghiêm Lỗi nhìn từ một góc độ khác: “Ba trong số bảy người là người nhà của quân đội.”
Kiều Vi dừng một chút: “Đúng vậy.”
Mặc dù tỷ lệ người mang họ Lục ở trạm phát thanh cao, nhưng lực lượng của quân đội cũng không nhỏ. Có thể nói thực ra tất cả mọi người đều có bối cảnh. Kiều Vi không dựa vào họ gì mà dựa vào quân đội.
Thực ra cũng giống nhau thôi.
“Em nghe nói ba họ Lục, Tạ và Từ chiếm ba phần tư dân số của thị trấn.” Cô nói.
Nghiêm Lỗi hiểu rõ hơn cô: “Trưởng trấn họ Tạ, họ Lục chủ yếu ở hợp tác xã cung tiêu, bộ trưởng lực lượng vũ trang họ Từ.”
Kiều Vĩ ngẫm nghĩ: “Trạm trưởng họ Lục, trưởng ban tuyên truyền họ Tạ, phát thanh viên và nhân viên bảo hành, à em nhớ rồi, người kia của hợp tác xã cung tiêu họ Từ. Bà Tám làm giày giúp em nhà mẹ đẻ họ Tạ, chồng bà ấy họ Lục.”

Ads
';
Advertisement